Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ phòng nghỉ khách sạn là rất thấp nếu đảm bảo vệ sinh đúng cách
Cần rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên hội tụ đủ trong một căn phòng khách sạn để bạn có thể nhiễm COVID-19 từ đó.
Đi khách sạn nghĩa là bạn đã chia sẻ chung giường, phòng tắm và các bề mặt tiếp xúc với những người lạ từng ở đó trước bạn. Điều này nghe có vẻ rất rủi ro trong mùa dịch. Nhưng theo hai chuyên gia dịch tễ và kỹ thuật y sinh, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong thời gian ở khách sạn là rất thấp – chỉ cần căn phòng được vệ sinh và làm sạch đúng cách.
“Bất cứ điều gì chúng ta làm tạo ra sự tiếp xúc với người khác đều tiềm ẩn rủi ro, bao gồm cả việc lưu trú tại khách sạn. Nhưng nếu các biện pháp phòng ngừa thích hợp được thực hiện, thì khách sạn có thể không nằm trong số những điều rủi ro nhất mà mọi người có thể làm vào lúc này“, Caitlin Howell, một nhà hóa học và kỹ sư y sinh tại Đại học Maine nói với Business Insider.
Howell từng nghiên cứu các phương pháp khử trùng bề mặt, và cô cho biết các khu vực công cộng của khách sạn – như nhà hàng hoặc sảnh đợi – có nguy cơ lây truyền COVID-19 cao hơn phòng nghỉ riêng. Dựa trên các bằng chứng hiện tại, virus SARS-CoV-2 thường lây lan qua các giọt bắn trong không khí hơn là các bề mặt.
“Các tình huống khi lưu trú tại khách sạn khiến mọi người tiếp xúc gần nhau, chẳng hạn như nói chuyện với những vị khách khác hoặc tập thể dục trong một không gian nhỏ với người khác, đem lại nhiều rủi ro hơn là ngủ ở trong phòng“, Howell nói.
Bạn gần như không có khả năng bị nhiễm COVID-19 trong phòng khách sạn, nếu nó được lau dọn sạch sẽ
Những lo lắng về việc lây nhiễm COVID-19 trong phòng khách sạn không phải là không có cơ sở: Một nghiên cứu mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã kiểm tra phòng khách sạn của 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 được cách ly ở Trung Quốc. Và họ đã tìm thấy vật liệu di truyền của virus trên công tắc đèn, tay cầm vòi nước, ga trải giường và gối sau 24 tiếng đồng hồ.
Nhưng theo Howell, RNA virus trên những bề mặt đó có thể “không lây nhiễm được sang người – bạn cần phải có virus còn hoạt động thì điều đó mới xảy ra”.
Hơn nữa trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã lấy mẫu trên các bề mặt của căn phòng trước khi nó được dọn dẹp và giặt giũ. Howell nói: “Chủng virus đang gây ra đại dịch này sẽ bị bất hoạt khá hiệu quả bởi chất khử trùng, xà phòng và nước. Vì vậy, miễn là căn phòng đã được dọn sạch đúng cách, nguy cơ lây nhiễm xảy ra chỉ ở mức thấp mà thôi”.
Rachel Graham, một nhà dịch tễ học tại Đại học Bắc Carolina, đồng ý với điều đó. Cô cho biết khả năng tải lượng virus còn sót lại trong một căn phòng sau khi nó được làm sạch đủ để có thể gây bệnh cho vị khách tiếp theo là khá thấp. Điều đó thậm chí đúng cả trong trường hợp vị khách trước đó đã nhiễm virus và bị bệnh.
“Không phải là không có rủi ro, nhưng tôi đặc biệt tin rằng các chuỗi khách sạn có danh tiếng mà chúng ta đang tin cậy sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ an toàn cho khách hàng của mình, có nghĩa là họ sẽ dọn phòng sạch nhất có thể“, Graham nói với Business Insider.
Ngay cả khi có hạt virus còn tồn tại trên các bề mặt, chúng cũng gần như không có khả năng nhiễm bệnh cho bạn
Một người có thể nhiễm COVID-19 nếu họ chạm vào một bề mặt hoặc vật thể chứa hạt virus, rồi sau đó chạm tay lên miệng, mũi hoặc mắt của mình. Tuổi thọ của virus trên các đồ vật phụ thuộc vào loại vật liệu làm ra nó:
Một nghiên cứu cho thấy virus mất 3 ngày để bị giết chết trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. Trong khi các nghiên cứu khác cho thấy virus có thể sống đến 2 ngày trên vải và 4 ngày trên bề mặt kính.
Một báo cáo từ Trung Quốc đã cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể lây lan khi hai người cùng chạm vào một bề mặt như các nút trong thang máy của một tòa nhà chung cư. Nhưng Howell nói rằng báo cáo đó “cho đến nay là báo cáo duy nhất đổ lỗi cho các bề mặt có thể đóng một vai trò nào đó trong việc lây lan dịch bệnh – nhưng thậm chí nó cũng còn chưa được xác nhận”.
Cô nói thêm: “Với mức độ lây lan rộng rãi của loại virus này, nếu các bề mặt chung đụng là một động cơ lây lan chính, thì cần phải có nhiều báo cáo hơn nữa với kết luận chắc chắn rằng các bề mặt có liên quan và phải chịu trách nhiệm”.
Thật vậy, CDC cho biết virus “không dễ lây lan” từ các bề mặt bị phơi nhiễm, mặc dù cơ quan này tiếp tục khuyến cáo mọi người “thường xuyên làm sạch và khử trùng” các bề mặt tiếp xúc nhiều để đề phòng.
Howell cũng cho biết các nghiên cứu phân tích thời gian virus tồn tại trên bề mặt có thể không “phản ánh chính xác những gì đang xảy ra trong thế giới thực“, vì các nhà nghiên cứu này thường bắt đầu với nồng độ virus rất cao.
Khi một vị khách còn có thể đến khách sạn để nghỉ, hầu hết các trường hợp họ không thể thải ra khỏi cơ thể mình một tải lượng virus cao đến thế, Howell cho biết.
Các phương pháp tốt nhất để giảm thiểu rủi ro cho khách lưu trú và nhân viên khách sạn
Theo Graham, khi bạn định đi khách sạn, tốt nhất là hãy mang bên mình nước xịt hoặc khăn lau khử trùng để có thể lau các bề mặt như điện thoại, điều khiển điều hòa, TV, tay nắm cửa.
Nếu ở trong các khu vực như quầy lễ tân hoặc phòng chờ, hãy hành động như bạn đang ở một địa điểm công cộng khác. Tránh tiếp xúc gần với người khác, luôn đeo khẩu trang và dùng khuỷu tay của bạn để nhấn thang máy.
Trong khi đó, nhân viên khách sạn nên tránh giũ khăn trải giường khi họ dọn phòng, tránh phát tán virus vào không khí, Graham nói: “Họ nên gấp các mảnh khăn trải giường vào giữa. Hành vi đó làm giảm nguy cơ tạo ra khí dung“.
Cuối cùng, nhân viên khách sạn vẫn là những người phải chịu rủi ro tổng thể nhiều hơn khách lưu trú, bởi họ tiếp xúc với nhiều vị khách hơn và bởi họ là người dọn phòng.
“Rủi ro của việc dọn dẹp phòng sau khi một vị khách có khả năng đã nhiễm bệnh và phát tán virus rời đi là cao hơn so với một vị khách mới bước vào căn phòng đó khi nó đã được dọn sạch”, Howell nói.
Tham khảo Businessinsider
Zknight-cafebiz.vn